07:26 EDT Thứ bảy, 27/04/2024 Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, năm học 2018-2019 | Một số biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở trường THCS Đô Thành, Huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An. | KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS ĐÔ THÀNH | 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS ĐÔ THÀNH | Đổi mới phương pháp giảng dạy Biển và đại dương | Phát biểu nhân ngày 20/11 | Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đạo đức ở trường THCS Đô Thành, Huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An. | Phong trào khuyến học của xã Đô Thành, huyện Yên Thành. | Cuộc cách mạng về tư duy và hành động giáo dục | Quan tâm đến từng học sinh để duy trì sĩ số | 

DANH MỤC

LIÊN KẾT WEBSITE

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Giới thiệu » Giới thiệu chung

50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS ĐÔ THÀNH

Thứ tư - 04/12/2013 23:44
Trường THCS Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, được thành lập ngày 15-9-1961, theo Quyết định của Ty Giáo dục Nghệ An, tiền thân là ngôi trường Phổ thông cấp 2 xã Đô thành tại xóm Phú Vinh xã Đô Thành.
Khi mới thành lập trường chỉ có 3 lớp với 168 học sinh của 3 xã: Đô Thành, Thọ Thành, Đức Thành và 4 giáo viên là Thầy Nguyễn Văn Cởi, Thầy Phan Văn Hương, Thầy Trần Trọng Lạng, Thầy Nguyễn Thạc Nghi, do Thầy Nguyễn Văn Cởi làm hiệu trưởng. Cơ sở vật chất lúc này còn nghèo nàn và tạm bợ, lớp học nhà tranh vách đất, địa điểm không ổn định và phần nhiều phải mượn nhà dân, đình làng. Vượt qua bao khó khăn của buổi ban đầu vừa dựng trường mượn lớp vừa học tập, thầy và trò đã hoàn thành xuất sắc năm học đầu tiên, được các cấp trên biểu dương khen ngợi.
Mới tạm thời ổn định thì tháng 8 năm 1964 Đế  quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Con đường chiến lược 205 trở thành mục tiêu của giặc Mỹ, trường phải sơ tán lên Mu Cua, Đền Cò . Thầy trò vừa dựng lớp, vừa đào hào đắp lũy. Ngày ngày thầy và trò đội mũ rơm đến trường. Thấp thoáng dưới lũy tre làng tiếng trẻ học bài trong tiếng rền bom của súng  đạn.
Ngoài giờ lên lớp thầy trò còn tham gia sản xuất,  đưa tiến bộ  khoa học vào nông nghiệp: phong trào làm bèo hoa dâu, làm bờ vùng bờ thửa, những con đường chạy về các xóm Xuân Lai, Yên Hội, Ngọc sơn, Hoàng lồ ... đều có bàn tay của thầy và trò trường cấp 2 Đô Thành góp sức. Từ dưới những lớp học nhà hầm mà chỉ có ở Việt Nam, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, trường vẫn giữ vững trường tiên tiên xuất sắc, lá cờ đầu của phong trào "Hai tốt".
          Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt ấy, hàng ngàn  học sinh đã tình nguyện rời ghế nhà trường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Cảm động và tự hào biết bao, học sinh trường cấp 2 Đô Thành đã lấy máu viết đơn tình nguyện tòng quân chiến đấu. Họ có mặt trên mọi miền Tổ quốc, bàn chân họ đặt trên đỉnh Trường sơn, từ mũi Cà mau đến địa đầu Móng cái để giải phóng dân tộc. Còn biết bao nhiêu người nằm lại trên mảnh đất bạn Lào và Cam pu chia vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Mồ hôi và máu học sinh trường THCS Đô thành tô thắm thêm ngọn cờ của Tổ quốc. Trong ngày lễ trọng đại này: 04 Bà mẹ Việt nam anh hùng, 132 liệt sỹ  không có mặt, một lần nữa chúng ta vô cùng biết ơn công lao của họ, chính họ đã làm vẻ vang cho trường THCS Đô Thành.
Mùa xuân 1973 bị sa lầy ở miền Nam, thất bại thảm hại trong đợt đánh phá miền Bắc lần thứ hai và nhất là trận :"Điện Biên Phủ trên không" : buộc Mỹ phải ký hiệp định Pa ry, miền Bắc được hòa bình. Một lần nữa thầy và trò lại nhổ cọc tre, phá lũy đưa trường về trung tâm của xã Đô Thành. Lúc này đời sống nhân dân còn khó khăn, ngân sách địa phương còn hạn hẹp nhưng với tâm huyết của mình, phụ huynh học sinh đã đóng công góp của để xây dựng trường mới. Từ nhà tranh, vách đất, phụ huynh, học sinh gánh đá, góp cát, nung vôi xây dựng được dãy nhà gồm 8 phòng học khang trang . Ngôi trường dựng lên bề thế vừa là niềm tự hào của người dân Đô Thành, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cho con em và nhân dân xã nhà. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò vẫn giữ được nề nếp học tập. Phong trào thi đua" Hai tốt" vẫn được giữ vững, thường xuyên được các cấp trên biểu dương khen ngợi.
 50 năm qua nhà trường đã  tiếp nhận hàng trăm lượt cán bộ giáo viên, hàng vạn học sinh. Trong số đó có 11 thầy cô được cấp trên bổ nhiệm làm chức vụ hiệu trưởng đó là: Thầy Nguyễn Văn Cởi, Thầy Nguyễn Văn Nam, Thầy Trịnh Văn Kiện, Thầy Nguyễn Lan, Thầy Trịnh Xuân Minh, Thầy Trần Xuân Hoàng, Thầy Lê Sĩ Tố, Thầy Phan Văn Thức, Thầy Nguyễn Việt  Hòa, Thầy Hồ Tuấn và Cô Phan Thị Kim Anh. Họ là những người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục xã nhà.
Để có ngày hôm nay phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo chính quyền các cấp. Lãnh đạo cấp trên, Phòng GD cũng như Đảng bộ chính quyền địa phương đã trăn trở lo lắng, đã chia sẻ tất cả khó khăn cũng như niềm vui của nhà trường. Cán bộ công nhân viên nhà trường gửi tới các đồng chí lời cảm ơn chân thành nhất.
Chấp hành chủ trương '' Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Đảng bộ và chính quyền đã giúp nhà trường nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, đáp ứng yêu cầu giáo dục. Từ năm 2000 nhà trường đã chuyển sang vị trí mới ngày hôm nay. Trường có hệ thống khuôn viên, cây xanh sạch đẹp, đầy đủ phòng học, hệ thống chức năng như thư viện, thực hành, phòng tin học, phòng truyền thống  đảm bảo cho việc học tập của học sinh. Hiện nay nhà trường đang dần từng bước xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Trường đạt Chuẩn quốc gia giai đoạn I năm 2006. Trường đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tặng bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An tặng bằng khen; Tập thể nữ CBGV được ban chấp hành liên đoàn tỉnh Nghệ An tặng bằng khen; Nhiều năm liền nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đều đạt danh hiệu: Tiên tiến xuất sắc cấp huyện, cấp tỉnh, Lá cờ đầu của ngành giáo dục Yên Thành...
Đội ngũ thầy cô giáo thực sự tâm huyết với nghề, thương yêu học sinh. Với họ" Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Ai cũng muốn xây dựng ngôi trường này có" Nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm". Khi khó khăn gian khổ, lúc thiếu thốn bộn bề, thầy cô luôn luôn bám trường bám lớp, thi đua dạy tốt, công tác tốt. Các năm học nhà trường đều có giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, cấp huyện như thầy Hồ Tuấn, Thầy Phạm Hồng Vân, Cô Phan Thị Kim Anh. Trường có các đ/c luôn luôn vì sự nghiệp công đoàn như thầy Võ Sỹ Đán, thầy Trần Văn Nguyện, Thầy Lê Thanh Hải, có những cốt cán chuyên môn đầy tinh thần trách nhiệm như thầy Lê Sỹ Hùng, thầy Lê Văn Đại, thầy Võ Quang Sử, cô Phan Thị Hạnh. Nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh như thầy Hồ Thái, thầy Trần Trung Diện, thầy Nguyễn Đức Hậu. Đội ngũ học sinh giỏi tỉnh đông đảo được các  thầy Luyện Văn Đọc, Cô Mai Thị Thanh Nga, Thầy Chu Văn Dũng, Cô Trần Thị Anh, Cô Nguyễn Thị Hoài, Thầy Trần Tuấn Hưng...dày công chăm sóc. Với giải nhì " Hội thi hát dân ca cấp tỉnh" Cô Hà Hương là nhân vật tiêu biểu trong phong trào văn nghệ của nhà trường. Trong "Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh" đội bóng chuyền nam đạt giải nhì nhờ sự huấn luyện tài tình của các thầy cô giáo viên thể dục. 50 năm qua có hàng trăm thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Họ xứng đáng là "Tấm gương sáng cho học sinh noi theo". Các thầy cô giáo đã làm cho trường THCS Đô thành trở thành một địa chỉ đáng tin cậy về dạy và học. Năm học 2010- 2011 trường có 58 học sinh lớp 9 đạt danh hiệu HSG huyện, em Nguyễn Tuấn Anh tham gia giải toán qua mạng cấp tỉnh. Có 424 em đạt danh hiệu khá và giỏi chiếm tỷ lệ 42%. Có 128 em đậu vào Trường THPT  Diễn Châu 2. Năm 2011-2012 đánh dấu 50 năm xây dựng và phát triển của trường. Hiện nay trường có 27 lớp với 900 học sinh. Đội ngũ cán bộ giáo viên của trường là 71 người, 62 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Giáo viên nhà trường 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Chi bộ nhà trường có 40 đảng viên, nhiều năm liền được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh. Công đoàn, chi đoàn giáo viên, liên đội thiếu niên tiền phong đều là các tổ chức đoàn thể vững mạnh tiên tiến trong nhiều năm qua.
Nhà trường thu hút học sinh đến trường đúng độ. Từ buổi đầu mới có 3 lớp với 168 học sinh, năm 2005-2006 học sinh của nhà trường gần 1621 em/ 40 lớp. Hằng năm trường có từ 3- 8 học sinh giỏi cấp tỉnh, 50-100 học sinh giỏi huyện, tốt nghiệp THCS đạt 97%, vào các trường THPT đạt trên 80%. Có nhiều học sinh đậu vào trường chuyên Phan Bội Châu  như anh Luyện Văn Đọc chuyên Toán, anh Võ Tiến Trung chuyên Lý, anh Lê Văn Đồng chuyên Lý, chị Nguyễn Thu Hương chuyên Văn, chị Phan Thị Lý chuyên Văn...Nhiều năm có học sinh đậu học sinh giỏi tỉnh đạt thứ hạng cao như: em  Nguyễn Vũ Sơn đạt giải nhất Vật Lý, em Trần Đức Huân giải nhì Vật lý, em  Phan Thị Lài giải nhì Sinh vật, em Phan Thị Dương giải ba tiếng Anh, em Nguyễn Thị Kim Anh giải nhì Văn...
Có được ngày hôm nay không thể quên đến sự đóng góp, ủng hộ nhiệt tình của các quý phụ huynh, các cựu học sinh của nhà trường. Sự đóng góp đó được ghi danh trong phòng truyền thống của nhà trường như bao sự cống hiến khác. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay các quý phụ huynh và các cựu học sinh có lòng hảo tâm đã đóng góp ủng hộ nhà trường cả tiền và hiện vật trên 220 triệu đồng. Số tiền đó dùng 2/3 để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, còn 1/3 để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học. Những phụ huynh, những cựu học sinh luôn luôn quan tâm đến sự nghiệp trồng người cao cả này là ông Nguyễn Trung Thành, ông Phạm Văn Triên, ông Hoàng Văn Thịnh, ông Phạm Văn Thi, ông Nguyễn Văn Chính, ông Lê Văn Thọ..
50 năm qua, từ mái trường này, biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành có nhiều cựu học sinh là cán bộ cấp tỉnh như: Bác Nguyễn Xuân Định, bác Nguyễn Văn Quý, bác Nguyễn Trọng Hồng, bác Lê Xuân Kinh, Bác Nguyễn Trọng Hùng,.... cán bộ chủ chốt cấp huyện, thị như bác Phạm Quang Toản, bác Lê Xuân Nhương... Đã có nhiều  sỹ quan cao cấp trong quân đội, công an như: bác Lê Sỹ Biên, bác Nguyễn Văn Ninh, Anh Bùi Văn Quang, bác Lê Hồng Khanh, bác Trương Đức Lợi, anh Phạm Quang Tuấn, và nhiều CCB xuất sắc như Bác Điều, Bác Ư, bác Dinh, bác Lào, bác Thành,...Có nhiều cựu học sinh là những doanh nhân làm kinh tế giỏi như : bác Võ Văn Triển, anh Nguyễn Trọng Long, anh Bùi Chí Linh...Có cựu học sinh đang học tập nghiên cứu ở nước ngoài như chị : Phan Thị Lý  làm nghiên cứu sinh Kinh tế ở Mỹ, anh Võ Tiến Trung ở Tiệp Khắc. Nhiều em đang làm việc có uy tín cho các Công ty ở nước ngoài, các cơ quan trường học trên mọi miền đất nước. Ngoài ra, còn có một đội ngũ đông đảo anh, chị, em đang hàng ngày, hàng giờ tích cực lao động làm giàu chính đáng góp phần tô đẹp thêm truyền thống của nhà trường.
Ngày hôm nay trong thời khắc trọng đại này chúng ta vừa ôn lại kỷ niệm cũ vừa không quên nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của năm học mới. 

Tác giả bài viết: Phan Thị Kim Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn