12:44 EDT Thứ ba, 17/09/2024 |
Cậu bé Giáp lớn lên không biết mặt ông nội. Ông ngoại của cậu đi theo nghĩa quân Cần Vương, làm đến chức Đề đốc. Bà ngoại ông từng đi tiếp vận cho nghĩa quân Cần Vương chống Pháp ở chiến khu Phan Đình Phùng trong rừng sâu huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Cụ thân sinh ra ông là nhà nho, có tên húy là Võ Quang Nghiêm (còn có tên khác là Võ Nguyên Thân), thân mẫu ông là Trần Thị Kiên.
Cụ Nghiêm tuy không đạt khoa bảng nhưng là người hay chữ, ông hành nghề dạy học và bốc thuốc, cuộc sống giản dị, thanh bạch. Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nghiêm tuổi cao, sức yếu, chưa kịp tản cư thì quân Pháp ập tới, bắt cụ về giam ở Huế. Chúng tra hỏi cụ về Võ Nguyên Giáp, cụ trả lời: ""Con tôi làm gì thì theo đầu óc của nó, tôi đâu dạy được? Bây giờ các ông có giỏi, hãy tìm nó đưa về đây, tôi thử dạy nó xem sao?"". Mãi về sau, gia đình mới được tin cụ bị sát hại trong nhà tù ở Huế năm 1947.
Võ Nguyên Giáp giống cha ở khuôn mặt vuông vức, vầng trán và gò má cao, giống mẹ ở tầm vóc thấp, đôi mắt hồn nhiên, nhân hậu, được xếp vào hàng mắt ""lá trúc quân tử"".
Quảng Bình, quê hương của Đại tướng là mảnh đất hẹp nhất đất nước, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải hứng các cơn bão đổ vào từ Biển Đông. Môi trường ấy đã tạo ra tính cách con người Quảng Bình vừa kiên trì chịu đựng, bền bỉ phấn đấu để vượt qua thiên tai; vừa có phẩm chất phòng xa, lo trước, tính toán kỹ, cần kiệm, chắt chiu. Sông Gianh chảy qua Quảng Bình từng là ranh giới chiến tuyến thời Trịnh-Nguyễn phân tranh nên con người nơi đây có năng lực sinh tồn mạnh mẽ. Từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã sống trong không gian thấm đẫm nghĩa khí anh hùng xả thân vì nước của những bậc tiền bối và quen thuộc với cộng đồng đa dân tộc ở quê nhà. Điều đó góp phần hình thành những tố chất của nhà chính trị-quân sự Võ Nguyên Giáp. Sau này, ở tuổi 80, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nhắc lại bài học khai tâm mà cha mình đã dạy từ nhỏ: ""Phong tuy độc, bất thích đồng quần/Hổ tuy bạo, bất thực đồng loại"" (Ong tuy độc, không đốt cùng đàn/Hổ tuy ác, không ăn đồng loại). Triết lý ban sơ dựa trên chữ nhân đó là cơ sở ứng xử suốt cuộc đời Đại tướng.
Những năm đi học tiểu học, Võ Nguyên Giáp học giỏi cả chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, nên theo quy chế, cậu được vượt lớp nhì năm thứ hai, lên thẳng lớp nhất. Đến kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, Võ Nguyên Giáp đỗ đầu tỉnh. Thời ấy, với bằng sơ học đã có thể làm viên chức nhưng Võ Nguyên Giáp đã xin gia đình đến Huế thi vào Quốc học.
Gia đình nhà nho nghèo, không có ruộng tư nên để cậu bé Giáp đi học là một cố gắng lớn của cả nhà. Lúc đó, gia đình cụ Nghiêm được chia 2,5 mẫu ruộng công điền, khi gieo trồng đã phải vay vốn giống, khi thu hoạch thì trả nợ. Nhiều vụ hè, Võ Nguyên Giáp theo mẹ chèo thuyền đi trả nợ. Mẹ đội thóc từ thuyền lên, chủ nợ cầm cái quạt tàu to tướng, quạt mạnh cho bay hết hạt lép, chỉ lấy hạt chắc. Những lần trả nợ như vậy gieo ấn tượng sâu sắc trong lòng cậu học trò nhỏ. Khoảng 10 năm sau, năm 1937, khi cùng đồng chí Trường Chinh viết sách ""Vấn đề dân cày"", Võ Nguyên Giáp đã dẫn chứng những chi tiết sống động đó, để kết luận: ""Sống dưới chế độ bóc lột phong kiến-tư bản, dân cày Đông Dương đã quá xơ xác, điêu linh"".
Mùa hè năm 1925, Võ Nguyên Giáp được cha đưa vào Huế tìm chỗ trọ ôn thi. Trong kỳ thi nhập học, cậu được xếp loại khá giỏi. Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, một giáo sư đầu ngành Toán học Việt Nam, bạn học thời Quốc học với Đại tướng đã viết: ""Trong lớp, hai chúng tôi ngồi gần nhau (Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thúc Hào), tuy vậy không phải là đôi bạn thân. Anh Giáp hơn tôi một tuổi nhưng đã có những suy nghĩ người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là cậu bé chăm học, ngoan và dễ bảo thôi. Từ năm đệ nhất niên, tháng nào anh Giáp cũng được xếp hạng major, nghĩa là đứng đầu lớp, còn tôi thì luôn đứng thứ hai. Các giáo sư Việt Nam cũng như người Pháp, đều tỏ vẻ bằng lòng hai chúng tôi, nhất là với anh Giáp học giỏi"".
""Suy nghĩ người lớn"" của Võ Nguyên Giáp, như hồi ký của Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, chính là sự thần tượng cụ Phan Bội Châu. Lúc bấy giờ, anh Giáp đã bị xúc động bởi các tác phẩm ""Hải ngoại huyết thư"", ""Lưu cầu huyết lệ tân thư"" của chí sĩ họ Phan. Tại trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn tổ chức vận động lấy chữ ký đòi thả cụ Phan. Năm ấy, Võ Nguyên Giáp mới 15 tuổi. Về sau, Võ Nguyên Giáp thường đến thăm cụ Phan, mượn sách của cụ đọc say sưa. Nhóm học sinh tiến bộ của Võ Nguyên Giáp rủ nhau lên thượng nguồn sông Kiến Giang, tuyên thệ lập hội kín với mục đích đánh Tây. Năm 1927, Võ Nguyên Giáp viết bài báo đầu đời với tên gọi ""Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học"". Bài báo gây tiếng vang lớn ở Huế, Sài Gòn, nội dung tố cáo nền giáo dục ngu dân và quy chế cấm đọc sách báo yêu nước. Trong thời gian học tại Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp tiếp xúc với thầy Võ Liêm Sơn và được thầy cho đọc cuốn Le Marxisme (Chủ nghĩa Mác) cho đến khi anh bị đuổi học vì tổ chức phong trào bãi khóa trong học sinh.
Mùa lụt năm 1928, Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Chí Diểu kết nạp vào Đảng Tân Việt, một Đảng có xu hướng cách mạng vô sản. Sau một thời gian hăng hái hoạt động, Võ Nguyên Giáp trở thành Ủy viên Trung ương dự khuyết của Đảng khi mới 18 tuổi. Trong buổi làm việc với Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ngày 4-1-1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: ""Tôi tham gia tổ chức Tân Việt tại Huế vì theo tôi, Tân Việt có xu hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt: Làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Tổ chức này đã qua một quá trình từ các hội Phục Việt, Hưng Nam mà tiến lên"".
Tiếp đó, Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Chí Diểu, Đặng Thai Mai lập ra nhóm hạt nhân cộng sản, ban đầu lấy tên là Việt Nam Cộng sản liên đoàn. Từ tháng 3-1929, Võ Nguyên Giáp đã đi nhiều nơi trong cả nước để vận động các kỳ bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản. Ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị thống nhất từ ngày 3-2-1930).
Có thể nói, từ năm 15 tuổi (1926) cho đến năm 1930, Võ Nguyên Giáp đã hoạt động không ngơi nghỉ, góp phần vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng vô sản vĩ đại đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam kể từ năm 1930 về sau.
NGUYỄN HỒNG (lược thuật)
Những tin mới hơn